Việt Nam và Philippines đưa kim ngạch thương mại đạt 10 tỷ USD vào năm 2025
14:14 - 31/01/2024
Sáng 30/1, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng thống Philippines Ferdinand Romualdez Marcos Jr. đang thăm cấp Nhà nước Việt Nam.
Tỷ giá trung tâm và tại các ngân hàng giảm mạnh
PMI tháng 7 Việt Nam giữ vững phong độ, chuyên gia quốc tế dự báo ngành sản xuất Việt Nam đang bắt đầu một giai đoạn tăng trưởng tốt?
Sau GDP Mỹ, thị trường đổ dồn chú ý vào thước đo lạm phát ưa thích của Fed công bố tối nay: Bằng chứng quan trọng quyết định lãi suất tháng 9?
Mục tiêu tăng trưởng GDP 7% là có cơ sở nhưng vẫn cần thận trọng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hoan nghênh Tổng thống Marcos Jr. lần đầu tiên thăm cấp Nhà nước và ngay trước thềm Tết cổ truyền của Việt Nam, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt Việt Nam-Philippines.
Thủ tướng Chính phủ chúc mừng đất nước Philippines, dưới sự điều hành của Tổng thống Marcos Jr., tiếp tục đạt được nhiều thành tựu kinh tế-xã hội to lớn, giúp Philippines duy trì tăng trưởng GDP thuộc nhóm những quốc gia phát triển nhanh nhất khu vực, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và củng cố vị thế trên trường quốc tế.
Tổng thống Philippines bày tỏ ngưỡng mộ những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội vượt bậc của Việt Nam trong những năm qua; khẳng định Philippines luôn coi trọng và mong muốn đưa quan hệ Đối tác chiến lược hai nước phát triển lên tầm cao mới.
Để tiếp tục đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả, hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, các ngành và các địa phương; khẳng định việc gặp gỡ thường xuyên giữa các nhà lãnh đạo hai nước góp phần củng cố, tăng cường lòng tin chính trị và thúc đẩy toàn diện hợp tác song phương. Hai bên cũng nhất trí sớm triển khai đầy đủ các cơ chế hợp tác song phương; rà soát toàn diện Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược giai đoạn 2019-2024, xây dựng Chương trình hành động giai đoạn mới, trong đó ưu tiên các lĩnh vực mới, tiềm năng như chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng…
Hai bên trao đổi các biện pháp tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 10 tỷ USD vào năm 2025; tạo môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi, nhất là các lĩnh vực hai bên cùng có nhu cầu và thế mạnh như công nghệ chế biến, cơ sở hạ tầng, công nghiệp phụ trợ ô tô, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao...
Về thương mại gạo, Thủ tướng Chính phủ khẳng định đây là một trong những lĩnh vực hợp tác quan trọng với Philippines, không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn gắn liền với mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực; đề nghị hai bên triển khai hiệu quả Bản ghi nhớ về hợp tác thương mại gạo được ký kết nhân dịp này.
Về hợp tác quốc phòng, an ninh, hai Nhà lãnh đạo khẳng định sẽ tiếp tục phát huy vai trò của cơ chế hợp tác quốc phòng, an ninh và hợp tác biển; sớm nối lại cơ chế Uỷ ban hỗn hợp cấp Thứ trưởng Ngoại giao về biển và đại dương; nâng cao hiệu quả phối hợp tuần tra chung, tìm kiếm cứu nạn trên biển cũng như tăng cường hợp tác phòng, chống ma túy và các loại tội phạm khác như tội phạm mạng, tội phạm công nghệ cao, tội phạm kinh tế...
Tổng thống Marcos Jr. nhất trí với đề nghị của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực còn nhiều tiềm năng như giáo dục-đào tạo, khoa học công nghệ, du lịch, văn hóa, giao lưu nhân dân, hợp tác địa phương...; khuyến khích mở thêm các chuyến bay thẳng nối liền các địa danh nổi tiếng giữa hai nước.
Trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực, hai Nhà lãnh đạo đánh giá cao việc hai nước luôn phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như ASEAN, Liên Hợp Quốc, APEC, ASEM... ; nhấn mạnh việc duy trì đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN, đồng lòng xây dựng một Cộng đồng ASEAN vững mạnh, đoàn kết và tự cường.
Về vấn đề Biển Đông, hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ và cùng các nước ASEAN và các đối tác duy trì, thực hiện quan điểm chung của ASEAN về Biển Đông, bảo đảm thực thi đầy đủ, nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy đàm phán, xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982; xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, hợp tác và phát triển, đóng góp vào sự phát triển ổn định, thịnh vượng và bền vững của khu vực và thế giới./.
Nguồn: Báo Chính phủ